Cách điều trị khi trẻ bị biếng ăn sinh lý
Trong quá trình lớn lên sẽ có những giai đoạn trẻ có những thay đổi lớn về tâm lý và thể chất, như khi bắt đầu mọc răng, khi tập đi, khi tập nói. Và trong những giai đoạn này sẽ xuất hiện một tình trạng gọi là biếng ăn sinh lý, làm cho trẻ chán ăn và ăn ít hơn hẳn so với khẩu phần ăn bình thường.

Khi nào trẻ sẽ bị biếng ăn sinh lý?
Biếng ăn là tình trạng hay gặp ở trẻ nhỏ, và có những giai đoạn nhất định khiến cho gây ra cho trẻ sự chán ăn, được gọi là biếng ăn sinh lý. Biếng ăn sinh lý không bị gây ra bởi các bệnh lý như cảm, ho, sốt, nhiễm trùng,... mà do trẻ đang phải trải qua một giai đoạn biến đổi thể chất và tâm lý để lớn lên.
Các giai đoạn trẻ sẽ mắc chứng biếng ăn sinh lý thường thấy là:
- 3-4 tháng tuổi: giai đoạn này trẻ đang tập ngóc đầu và tập lẫy
- 6 tháng tuổi: đây là giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm, chế độ ăn uống và dinh dưỡng của trẻ thay đổi, trẻ được tiếp xúc với nhiều loại thức ăn mới.
- 9-10 tháng tuổi: lúc này trẻ bắt đầu tập đi, và có thể biết đi.
- 16-18 tháng tuổi: giai đoạn này trẻ trở nên tò mò với thế giới xung quanh hơn và dành nhiều thời gian để khám phá mọi thứ.
- 2-3 tuổi: giai đoạn trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo, thay đổi môi trường sinh hoạt và chế độ ăn uống, tác động lớn đến tâm lý của trẻ.

Ngoài ra, một số giai đoạn có thể tác động đến chứng biếng ăn sinh lý của trẻ như lúc mọc răng, tập đi, tập nói, gia đình chuyển chỗ ở, người chăm sóc mới ngoài bố mẹ…
Biếng ăn sinh lý có thể kéo dài bao lâu?
Biếng ăn sinh lý thường kéo dài khoảng 3-4 tuần và hiếm có trường hợp nào ảnh hưởng đến sức khỏe hay sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, vẫn có nghiên cứu chỉ ra rằng có nhiều trường hợp chứng biếng ăn của trẻ có thể kéo dài đến vài tháng và ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng và sự phát triển thể chất của trẻ. Một khoảng thời gian sau khi thay đổi, cơ thể có thể thích nghi thì tình trạng ăn uống của trẻ sẽ trở lại bình thường.
Những triệu chứng khi trẻ bị biếng ăn sinh lý
Khi bố mẹ để ý thấy trẻ có những dấu hiệu sau, rất có thể trẻ đang bị biếng ăn sinh lý:
- Đối với những trẻ đang bú sữa mẹ: trẻ sẽ đột ngột bú ít hơn bình thường, buổi đêm sẽ ít khi hoặc không thức dậy để bú, thời gian trẻ bú sữa mẹ ở mỗi cữ sẽ ít hơn. Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ không đòi mẹ bú hoặc sẽ kháng cự khi được mẹ cho bú.
- Trẻ ở giai đoạn đang ăn dặm hoặc bắt đầu ăn cơm: chỉ ăn một vài món cũ mà trẻ yêu thích và không chịu thay đổi những món mới.
- Thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn rất ít trong bữa ăn.
- Trẻ hay ngậm thức ăn và hay khóc khi được cho ăn.
- Trẻ mải chơi, ham chơi mà không chịu ăn uống.
- Cân nặng tăng sụt thất thường trong một khoảng thời gian nhất định.

Những cách khắc phục khi trẻ đến giai đoạn biếng ăn sinh lý
Biếng ăn sinh lý thường không kéo dài quá lâu nên không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ nên không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, vẫn cần có những biện pháp giúp cải thiện bữa ăn của trẻ, giúp trẻ ăn ngon hơn để trẻ có thể ăn được nhiều nhất, tránh để tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Một số cách khắc phục có thể áp dụng như:
- Chia nhỏ bữa ăn của bé, tức là tăng số bữa ăn trong ngày lên và giảm lượng thức ăn trong mỗi bữa để trẻ không phải ăn quá nhiều dẫn đến kéo dài bữa ăn gây chán nản.
- Chọn cho trẻ những món ăn mềm, lỏng như bột, cháo, canh, súp để tránh bị khó tiêu.
- Nấu những món ăn màu sắc bắt mắt và trang trí trong mấy tô chén có hình thù đẹp để thu hút sự chú ý của trẻ, giúp trẻ hứng thú với bữa ăn hơn.
- Cho trẻ ăn thêm các loại thực phẩm tốt cho tiêu hóa như sữa chua, hoặc thực phẩm bổ sung các dưỡng chất khác như phô mai, trái cây,...
- Đưa ra lời động viên để khuyến khích trẻ ăn nhiều hơn.
- Hướng sự tập trung của trẻ vào bữa ăn thay vì các hoạt động khác như xem tv, hoạt hình hay chơi đồ hàng…
- Bố mẹ không nên ép con nếu thấy tình trạng của trẻ không được cải thiện vì làm vậy sẽ càng khiến trẻ trở nên chán ghét bữa ăn. Nếu thấy quá lo lắng cha mẹ có thể đưa trẻ đến những cơ sở chăm sóc dinh dưỡng để nhận được sự hướng dẫn từ các bác sĩ, các chuyên gia y tế và cải thiện tốt hơn chế độ ăn uống của trẻ.

Biếng ăn sinh lý chỉ xảy ra ở mỗi giai đoạn trẻ phải thay đổi môi trường, tâm lý, thể chất và thường không quá kéo dài. Chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các chất cần thiết để trẻ không bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, thì tình trạng này sẽ nhanh chóng kết thúc và trẻ sẽ trở về tình trạng ăn uống bình thường.