Mẹ phải làm gì trong các giai đoạn biếng ăn của trẻ?
Biếng ăn có nhiều nguyên nhân, trong đó thường thấy nhất là những trẻ bước vào một thời kì thay đổi về thể chất, hoặc tâm lý. Những thời kì này được chia theo giai đoạn và cũng có những giải pháp nhất định để giúp bố mẹ có thể chăm sóc trẻ tốt hơn. Vậy, mẹ phải làm gì trong các giai đoạn biếng ăn của trẻ?

Nguyên nhân và biểu hiện của biếng ăn
Nguyên nhân biếng ăn
Vậy khi nào trẻ được xem là biếng ăn? Khi không chịu hợp tác trong mỗi bữa ăn, hay quấy khóc? Khi trẻ đột nhiên ăn ít hơn bình thường?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ biếng ăn là khi thấy những hiện tượng trẻ ăn ít hơn bình thường, không muốn ăn, từ chối hoặc nôn ói khi thấy thức ăn, trẻ ăn thức ăn có chọn lọc và chỉ ăn một vài loại thức ăn nhất định mà trẻ thích, bữa ăn kéo dài quá lâu, thường từ 30 phút đến hàng tiếng đồng hồ do trẻ ngậm thức ăn trong miệng không chịu nuốt, và trẻ bỏ ăn vì nhiều nguyên nhân khác.
Dựa vào những nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn mà nó đã được chia ra ba loại cơ bản nhất: biếng ăn do bệnh lý, biếng ăn do tâm lý, và biếng ăn do sinh lý. Trong đó, khi nhắc đến các giai đoạn biếng ăn của trẻ thì ta có thể xác định ngay trẻ đang bị biếng ăn sinh lý vì chỉ có biếng ăn sinh lý là được chia thành những giai đoạn biếng ăn nhất định vì nó được gắn liền với các giai đoạn phát triển thể chất của trẻ, nhất là trẻ từ khoảng 0-3 tuổi.
Biểu hiện của biếng ăn
Trẻ bị biếng ăn sinh lý khi bước vào các giai đoạn thay đổi để phát triển, đây được xem là lúc trẻ khủng hoảng nhất và cần dành nhiều thời gian để thích nghi nên sẽ rất lơ là chuyện ăn uống. Bố mẹ có thể thấy được những biểu hiện trong các giai đoạn biếng ăn của trẻ như sau:
- Trẻ nhẹ cân, ốm yếu, các chỉ số cân nặng và chiều cao của trẻ thấp hơn các chỉ số tham chiếu tương ứng với độ tuổi của trẻ.
- Liên tục không chịu ăn, từ chối tỏ ra khó chịu đến quấy khóc không chịu ăn.
- Trẻ liên tục ngậm thức ăn trong miệng mà không nhai hay nuốt.
- Lượng thức ăn của trẻ giảm khá nhiều so với bình thường.
- Lúc ăn thường mất tập trung.
- Có biểu hiện buồn nôn, hoặc nôn ói khi thấy thức ăn.
- Trẻ bỏ hẳn bữa ăn.

Các giai đoạn biếng ăn của trẻ
Ở đây là 5 giai đoạn biếng ăn của trẻ mà mẹ có thể nhận thấy rõ rệt nhất chứ không phải trẻ chỉ có 5 giai đoạn biếng ăn này. Ở các giai đoạn này mẹ có thể thấy rõ sự thay đổi để hoàn thiện phát triển về thể chất của trẻ.
Giai đoạn 3-4 tháng tuổi: Giai đoạn trẻ tập lẫy, tập lật và ngóc đầu
Trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu nhận thấy rõ rệt hơn về những âm thanh, chuyển động, sự thay đổi của mọi sự vật quanh trẻ. Trẻ hay cười và thường sẽ cười khi thấy một điều gì đó đang thay đổi, chuyển động. Vì vậy, những hành động vỗ tay, ca hát của người lớn ở giai đoạn này thường thu hút sự chú ý của trẻ và dùng để dỗ dành trẻ. Vậy nên khi đang quan sát mà bị bố mẹ bế đi ăn, trẻ sẽ trở nên cáu gắt và thường quấy khóc. Tình trạng biếng ăn của trẻ sẽ tự động hết khi trẻ qua giai đoạn này nên bố mẹ không cần quá lo lắng.
Giai đoạn 6 tháng tuổi: trẻ tập ăn dặm, thay đổi chế độ ăn và loại thức ăn
Trẻ đã có thể ngồi và bắt đầu cầm nắm được nên thường sẽ thích chộp lấy thứ này thứ kia, vì vậy những loại thức ăn như rau củ sẽ giúp trẻ có hứng thú trong việc ăn uống hơn là cháo và bột. Đồng thời, ở giai đoạn biếng ăn này của trẻ, việc thay đổi những loại thức ăn mới cũng có thể khiến hệ tiêu hoá của trẻ chưa kịp thời hấp thu được vậy nên mẹ cần thay đổi chế độ ăn một cách chậm rãi, cho trẻ sử dụng cà rốt, các loại thức ăn mềm như đậu, su su, khoai tây,...kèm theo những món trẻ thích để có thể thích nghi dễ hơn.
Giai đoạn 9-10 tháng tuổi: bắt đầu tập đi
Giai đoạn này trẻ bắt đầu biết được mình có thể bước đi như những người xung quanh nên sẽ ham đứng lên và đi lại hơn, dù chỉ bước được những bước ngắn. Nên việc bắt trẻ ngồi trở lại và ăn uống sẽ dễ khiến trẻ cáu gắt và không chịu ăn. Vậy nên mẹ có thể để trẻ vừa đi lại vừa ăn, tuy nhiên không nên để trẻ quá tập trung vào vui chơi mà quên phải nuốt thức thức ăn. Mẹ cũng có thể bắt đầu cai ti đêm để trẻ tập trung bữa ăn vào ban ngày hơn, rèn thói quen ăn uống khoa học cho trẻ.

Giai đoạn 16-18 tháng tuổi: Bắt đầu tự mình khám phá thế giới cũng quanh
Trẻ đã có thể tự do chạy nhảy nên thường sẽ trở nên ham chơi, không những biếng ăn mà trẻ cũng sẽ trở nên lười ngủ. Trẻ cũng bắt đầu ý thức được hành động của mình có thể được khen hoặc bị mắng, có những hậu quả nhất định. Ở giai đoạn biếng ăn này của trẻ, bố mẹ nên bắt đầu rèn cho trẻ những thói quen lành mạnh, cho trẻ ý thức được trẻ muốn có điều gì đó thì phải làm một điều khác. Ví dụ như phải ăn xong mới được chơi đồ hàng. Tránh chiều trẻ quá mức ở giai đoạn này vì có thể khiến trẻ trở nên lì hơn.
Giai đoạn 2-3 tuổi: Bắt đầu đi nhà trẻ, thay đổi môi trường
Việc thay đổi môi trường sinh sống khiến trẻ có thể gặp chút khủng hoảng về tâm lý dẫn đến biếng ăn. Trẻ nhận ra là mình sẽ phải xa bố mẹ và ở chung với nhiều người khác không ở trong gia đình, hoặc thích thú kết bạn với những đứa giống mình. Việc thích hay không thích môi trường mới là tuỳ từng trẻ nhỏ nên giai đoạn biếng ăn của trẻ cũng kéo dài không giống nhau, có thể từ 1-2 tuần hoặc lâu hơn. Bố mẹ lúc này nên hỏi han về một ngày đi học của trẻ, hỏi về cảm xúc của trẻ hoặc những sự việc xảy ra ở lớp.
Những điều mẹ nên lưu ý trong các giai đoạn biếng ăn của trẻ
Trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên hệ tiêu hoá sẽ chưa hoàn thiện, nếu bố mẹ chăm sóc không đúng cách trong những giai đoạn trẻ biếng ăn có thể sẽ xảy ra những hậu quả nghiêm trọng đến sự phát triển sau này của trẻ.
Rèn cho trẻ thói quen ăn uống khoa học
- Chia nhỏ bữa ăn để tránh trẻ phải ăn quá nhiều và bữa ăn bị kéo dài, tốt nhất không nên để trẻ ăn quá 30 phút.
- Đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ nhất là trong giai đoạn biếng ăn của trẻ vì đây là lúc trẻ dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng nhất.
- Không cho trẻ có thói quen vừa ăn vừa xem điện thoại, tivi, hoặc các thiết bị điện tử khác, có thể khiến hệ tiêu hoá bị giảm chức năng hoặc gây rối loạn hệ tiêu hoá.
- Hạn chế ăn vặt trước bữa ăn chính.
- Không để trẻ quá đói, vì sẽ khiến trẻ mệt mỏi và không muốn ăn hơn.
Tạo cho trẻ sự hứng thú với mỗi bữa ăn
- Chế biến món ăn màu sắc bắt mắt, trang trí đẹp.
- Cổ vũ cho trẻ tự ăn, tự múc thức ăn, để trẻ chơi đùa với các dụng cụ ăn uống.
- Không dọa nạt ép trẻ ăn khiến trẻ bị ám ảnh tâm lý và trốn tránh bữa ăn.

Đảm bảo dinh dưỡng của bữa ăn
- Tham khảo tháp dinh dưỡng hoặc nhận tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng.
- Bổ sung nhiều các vitamin và khoáng chất trong các bữa ăn.
- Thêm vào bữa ăn các loại thức ăn giúp hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hoá như sữa chua, sữa chua uống, men vi sinh,...
Biếng ăn sinh lý vốn là tình trạng hay gặp ở trẻ và thường không kéo dài quá lâu, vậy nên mẹ chỉ cần nắm rõ các giai đoạn biếng ăn của trẻ, những thay đổi của trẻ trong các giai đoạn đó là có thể ứng phó, giúp trẻ vẫn đảm bảo được dinh dưỡng để đạt được sự phát triển tốt nhất.